Âm linh tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước Việt Nam.
Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…
Âm linh tự - Hình 1


Thờ cúng ở Âm linh tự còn có những linh hồn là chiến sỹ trận vong, vì bối cảnh ác liệt của chiến trường nhiều khi xác thân không còn tìm được. Người xưa gọi chung những đồng loại rơi và tình cảnh như vậy là “thập loại chúng sinh” và dành cho họ mối thương cảm mang đậm tình người. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết bài “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn Chiêu hồn), lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thể hiện sự đồng cảm sâu xa giữa những người đang sống với các cô hồn bạc phận.

Trong khi kiến lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, người xưa cũng không quên dựng miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vương còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn. Cũng có nơi cô hồn thờ chung trong nội thất đình làng, miếu bà tại một gian riêng. Nếu thờ ở ngoài sân thì bàn thờ âm linh được trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.

Âm linh tự - Hình 2


Ngoài ra, nơi cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết riêng ở hiên phải của chùa, nơi đặt tượng Tiêu Diện Đại sỹ (dân gian gọi là Ông Tiêu), theo thuyết nhà Phật là một hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm làm nhiệm vụ chưởng quản, cứu độ cô hồn. Trong các buổi công phu kinh chiều, nhà chùa đều có cúng thí thực tại gian thờ này với ý nghĩa ban lộc cho những vong linh không người chăm sóc, thiếu vắng khói hương.

Theo quan niệm “Sinh hà, tử thị” (sống sao, chết vậy), trong các ngày lễ tết, cúng giỗ tại đình chùa, miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn để an ủi chia sẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.

Ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hằng năm đến tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) người dân tảo mộ và cúng tế các vong linh cô hồn ở các âm linh tự, nghĩa tự, gọi là cúng Thanh minh. Đây là nét khác biệt với cư dân Bắc Bộ, vì ngoài việc cúng cô hồn, cư dân ven biển miền Trung không có tục tảo mộ tổ tiên và ăn tết Thanh minh vào dịp này.

Âm linh tự làng An Vĩnh xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong uy nghi bề thế.

Không giống với nhiều âm linh tự, nghĩa tự, miếu cô hồn ở những nơi khác, kể cả nghĩa tự làng An Hải trên cùng huyện đảo, Âm linh tự làng An Hải có mái che, các gian thờ bài trí quy củ, hàng năm tại đây diễn ra khá nhiều nghi lễ long trọng, có sự tham gia của đông đảo dân làng. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, kể cả những tư liệu là của riêng các gia đình, gia tộc được người dân tin tưởng đem lưu gởi.

Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng đầu thế kỷ XIX, hai làng An Vĩnh và An Hải (nay là xã An Vĩnh và xã An Hải) đã có đình làng và nghĩa tự. Tuy nhiên, đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ trước, đình làng An Vĩnh bị hư hại, dân làng rước các linh vị thờ thần hoàng, các vị tiền hiền về thờ ở Âm linh tự. Vì vậy, trong hơn nửa thế kỷ, Âm linh tự làng An Hải là nơi sinh hoạt tâm linh, lễ hội dân gian tập trung của cộng đồng cư dân sở tại.
Âm linh tự - Hình 3


Đặc biệt, vào tiết Thanh minh hằng năm bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng vọng và tri ân nghĩa liệt sỹ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các quần đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền, ngư dân cùng sự yên lành của làng quê đất đảo.

Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạt hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng ròng lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền câu (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền, di chuyển nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô), thường xuyên đối mặt với sóng cả, gió to, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài.

Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thuỷ thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.

Nếu không may người thuỷ thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển.

Những người còn sống gởi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vị quốc vong thân.
Âm linh tự - Hình 4


Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm… Cho đến nay người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:

Trường Sa đi có về không
Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi
Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây
Hoàng Sa trời bể mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa


Âm linh tự cũng là nơi ngư dân trước khi ra biển “đi nghề”, hoặc tha phương hành nghiệp đến cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ độ trì để được bình an, được mùa, làm ăn thành đạt. Trở về bình yên sau mỗi chuyến đi biển (đối với ngư dân) hoặc về thăm quê nhà (đối với người sống tha phương) họ cũng mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Ngoài đóng góp của các dòng tộc và dân làng, cơ ngơi khang trang của Âm linh tự cũng như lễ vật trong các dịp tế lễ có sự đóng góp thành tâm của những người làm nghề biển được mùa hoặc của những người Lý Sơn tha hương thành đạt. Âu cũng là một phong tục đẹp, sâu nặng ân tình, thuỷ chung gắn bó với quê đảo yêu thương.

Từ năm 2010, khi đình làng An Hải được phụng dựng, linh vị thần hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn còn được thờ vọng tại Âm linh tự và người dân thường xuyên đến dâng hương hành lễ.

Đăng nhận xét

Trương Chính

{picture#https://lh3.googleusercontent.com/1cZuLOz7AvRoLskTYBSKRXaLRNcbxMRoqzTAIszmAaDLW9oGi5arcfPlRSRhcx4-_n-CGWoRpjumWbRim6NRKHjViRYapPJijIwIBlnK0Welj5wmpNNsilW3oqloHYOG_tfJdrXcVBChbrhU8gaSVqWpImlwaFw7fCWCp7zMgqKCQEtKRjVVU76h1Bv7n1JPKPpimb0Hvg3utQcQWSOn2VgTiCk5CC15sRTJUdudxbi7uGaAtJfu5oK7Pn9hZYeFBEwqyMWEcvGvojvRfdDHbSdLbT-0vkz2KNL6r3-30SQoddFabiVE-N1Elaiedsi-AY72vjIidyfTzxSBokQhm8QT3OcsctsMXVgicg9wALXxZEo9-oE0KzQ77ALRG4O9YpNMKc7k-8jxFdwtFRj1ey5dHW9JZTgchX4ptFnfZ3Q1rowmdspaY-4reycS_kWONrB3zr6D7S-P5K0hZquzFYewLuVLGE44YX707rHAxTAl7my10q3fILnNd6wvvbZmCOLsqNJKxlIs1kvkvuAZFJCCFk72oKsNmOGqgvPXmPsGAiQmk2wSTtB22vccYzuSYxUpxed6Yv7zMEiAmOVafy0cDvg748_YSWcjvApJ2rENtrBIm4miVTmurH8kw3-JTli9SstLc66nLORpOJYhJLYwLPjyo6GzBWaHrpHkEpQ=s80-no}

Là Admin Phượt Lý Sơn và là người con hải đảo, tư vấn và hướng dẫn du lịch Lý Sơn. Hotline: 0972 427 886.

{facebook#https://www.facebook.com/chinhden}
{twitter#http://www.twitter.com/chinhden}
{google#https://plus.google.com/u/0/+Tr%C6%B0%C6%A1ngCh%C3%ADnh89}
{pinterest#chinhden}
{youtube#https://www.youtube.com/channel/UClDGAJb_fEmQIa9cG8ukC9Q}
{instagram#http://www.instagram.com/daolyson}

Đảo Lý Sơn

{picture#https://lh4.googleusercontent.com/-AipXcZZD8aY/VL4lkjK4yVI/AAAAAAAAAA4/N4ez8oePZP0dsAyEX2BNj2sFWrpKr_qGQCL0B/w524-h522-no/10547555_681734621909947_5702159417778959975_n.jpg} Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. {facebook#https://www.facebook.com/huyenlyson/} {twitter#http://twitter.com/daolyson} {google#https://plus.google.com/+DaolysonInfo2015} {pinterest#pinterest.com/daolyson} {youtube#https://www.youtube.com/channel/UClDGAJb_fEmQIa9cG8ukC9Q} {instagram#https://www.instagram.com/daolyson}
Được tạo bởi Blogger.