Cuối tháng 6, trời Hà Nội oi ả, nóng bức, may nhờ có cái đề tài nho nhỏ của người bạn, tôi được theo vào miền Trung rồi vượt sóng về Cù Lao Ré, khảo đất, nhìn biển, ngắm trời. Vâng, Cù Lao Ré, tôi ưa cách gọi xưa cũ này hơn là cái tên Lý Sơn, huyện đảo Lý Sơn, như nhiều người vẫn gọi.
Từ cảng Sa Kỳ, chỉ hơn một giờ đồng hồ trên tàu khách An Hải, tôi và mọi người đã đặt chân lên Đảo Lớn. Ngày hôm đó, trời yên, biển lặng. Trên bong, trong khoang, không chỉ bà con dân đảo mà người tứ xứ ai nấy đều an bình, thong dong. Không thấy cảnh vật vã như trên xe buýt nội đô hay đường dài. Đi biển ngày nước thuận, gió hoà mới yên ả làm sao.

Bãi biển Đảo Bé
Bãi biển Đảo Bé
Sóng tung bọt trắng phủ mạn tàu, cờ đỏ phơi nắng, phơi sóng dù hơi te tua vẫn đua gió phần phật. Nắng chiếu lung linh thành những vì sao lấp lánh, nhấp nháy trên sóng. Gần xa, tàu cá, tàu hải quân, những chấm đen to, nhỏ, thật ảo, một cảm giác khó tả khi được ở giữa trời của ta, biển của ta để được hít thở hơi biển mặn mòi, được đưa tay với những ngọn sóng bất chợt giữa những âm thanh của tiếng Quảng mà một người “Bắc kỳ” như tôi, quả thật, nghe nhiều, nhưng hiểu không nhiều.

Miên man nghĩ về hải trình của tổ tiên khi xưa, cái thời xưa xưa lắm, cách đây hàng nghìn năm mà cũng có thể cả hàng chục nghìn năm. Tôi muốn mượn ý của Bình Nguyên Lộc trong truyện "Rừng Mắm" mà nói rằng: Họ có lẽ giống như trùng trùng lớp lớp rừng mắm, mọc lên, ngã xuống rồi lại mọc lên, ngã xuống thành đường, thành luỹ cho những thế hệ mai sau. Hay có thể như cái cách mà cây dừa sinh sôi, nảy nở trên những hòn đảo Biển Đông - Thái Bình Dương, mãnh liệt, kiên cường, an nhiên, tự tại.

Nhưng dẫu bằng cách nào đi nữa, trong từng giọt nước Biển Đông, trong từng lớp sóng Biển Đông vẫn chứa đầy mồ hôi, nước mắt và máu của bao lớp người tiên phong, rẽ sóng, theo gió mở đường khai phá luồng lạch đại dương, an cư lập nghiệp sinh sôi trên từng góc ngách đảo gần, đảo xa. Công lao khai mở của những người đi trước mãi là vĩ đại, mãi là đáng nhớ, bất kể thuộc Nam Đảo, Nam Á, Sa Huỳnh, Champa hay Đại Việt, bước sau tiếp bước trước, học nhau cách sinh tồn, cách giữ gìn tình yêu với đất liền, với biển, với trời... để sự sống mãi là dòng chảy lúc ngầm, lúc nổi giữa đại dương.

Dòng chảy đó ẩn tàng trong những nối dài truyền thống. Có thể thấy lối mai táng của người Sa Huỳnh dùng chum, vò gốm làm quan tài vẫn được người Chăm kế thừa ở Xóm Ốc, Suối Chình nơi Đảo Lớn, khi mà trong đất liền gần như không còn dấu vết. Giếng nước ngọt thời Champa đến nay vẫn ngọt đầy, vẫn là nguồn sống của nhiều người trên đảo, vẫn hàng ngày theo những người chở nước chảy về khắp đảo. Thần linh của người Chăm, dẫu mang thêm nhiều lớp áo Việt vẫn là những vị thần không chỉ riêng Chăm, không chỉ riêng Việt phù hộ, độ trì cho tất cả những ai khẩn cầu. Thần xưa không hề mất đi, thần chỉ thêm nhiệm vụ, thêm vai trò và đó cũng là cách để người đến sau nhớ ơn công lao người đến trước.

Cũng không hiểu từ đâu và từ bao giờ đã hình thành lối nhìn, lối suy nghĩ, đã là đảo thì tất nhiên kém đất liền (về mọi thứ). Một thứ tư duy hình thành khi nước (cả thủy, cả hải) bỗng nhiên đang từ luồng tải con người, hàng hoá, ý tưởng biến thành vật cản, rào cản, chia cắt đôi bờ, kéo xa đảo khỏi đất liền!

Nhưng đảo không phải như thế, hay đã không phải như thế, ít nhất là ở thời Sa Huỳnh, Champa. Những dấu tích Sa Huỳnh trên đảo cho thấy, thời đó Sa Huỳnh đảo có phần giàu có và đa dạng hơn nhiều Sa Huỳnh trên đất liền. Đến thời Champa, điều này càng rõ, ở Đảo Lớn, cơ tầng Champa mang đầy đủ những yếu tố văn hoá vật chất và ý nghĩa biểu trưng ngang bằng cơ tầng Champa sớm nhất và Champa phát triển ở Trà Kiệu. (Trong đất liền cho tới nay cơ tầng Champa sớm nhất kiểu Trà Kiệu mới chỉ thấy ở vài nơi rải rác ở lưu vực sông Hương và sông Thu Bồn). Hàng hoá trên đảo đủ loại từ đồ làm theo kỹ thuật xưa của người Sa Huỳnh đến đồ làm theo kỹ thuật học từ bên ngoài, đồ Champa Hán, Champa Ấn Độ và cũng không ít đồ nhập khẩu nguyên chiếc...

 Đảo gian khó, đảo tiên phong, đảo ôm trọn trong lòng cả đất liền, cả sóng, cả gió, cả đại dương…

Người đảo mặn mòi, phượng đảo rực lửa, tỏi đảo cay thơm, dưa hấu đảo ngọt se sắt.

Cờ đảo bạc màu theo sóng gió vẫn ngời sắc đỏ.

Đảo không có chỗ cho những thứ nhờ nhờ, nửa nọ, nửa kia!

Đăng nhận xét

Trương Chính

{picture#https://lh3.googleusercontent.com/1cZuLOz7AvRoLskTYBSKRXaLRNcbxMRoqzTAIszmAaDLW9oGi5arcfPlRSRhcx4-_n-CGWoRpjumWbRim6NRKHjViRYapPJijIwIBlnK0Welj5wmpNNsilW3oqloHYOG_tfJdrXcVBChbrhU8gaSVqWpImlwaFw7fCWCp7zMgqKCQEtKRjVVU76h1Bv7n1JPKPpimb0Hvg3utQcQWSOn2VgTiCk5CC15sRTJUdudxbi7uGaAtJfu5oK7Pn9hZYeFBEwqyMWEcvGvojvRfdDHbSdLbT-0vkz2KNL6r3-30SQoddFabiVE-N1Elaiedsi-AY72vjIidyfTzxSBokQhm8QT3OcsctsMXVgicg9wALXxZEo9-oE0KzQ77ALRG4O9YpNMKc7k-8jxFdwtFRj1ey5dHW9JZTgchX4ptFnfZ3Q1rowmdspaY-4reycS_kWONrB3zr6D7S-P5K0hZquzFYewLuVLGE44YX707rHAxTAl7my10q3fILnNd6wvvbZmCOLsqNJKxlIs1kvkvuAZFJCCFk72oKsNmOGqgvPXmPsGAiQmk2wSTtB22vccYzuSYxUpxed6Yv7zMEiAmOVafy0cDvg748_YSWcjvApJ2rENtrBIm4miVTmurH8kw3-JTli9SstLc66nLORpOJYhJLYwLPjyo6GzBWaHrpHkEpQ=s80-no}

Là Admin Phượt Lý Sơn và là người con hải đảo, tư vấn và hướng dẫn du lịch Lý Sơn. Hotline: 0972 427 886.

{facebook#https://www.facebook.com/chinhden}
{twitter#http://www.twitter.com/chinhden}
{google#https://plus.google.com/u/0/+Tr%C6%B0%C6%A1ngCh%C3%ADnh89}
{pinterest#chinhden}
{youtube#https://www.youtube.com/channel/UClDGAJb_fEmQIa9cG8ukC9Q}
{instagram#http://www.instagram.com/daolyson}

Đảo Lý Sơn

{picture#https://lh4.googleusercontent.com/-AipXcZZD8aY/VL4lkjK4yVI/AAAAAAAAAA4/N4ez8oePZP0dsAyEX2BNj2sFWrpKr_qGQCL0B/w524-h522-no/10547555_681734621909947_5702159417778959975_n.jpg} Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. {facebook#https://www.facebook.com/huyenlyson/} {twitter#http://twitter.com/daolyson} {google#https://plus.google.com/+DaolysonInfo2015} {pinterest#pinterest.com/daolyson} {youtube#https://www.youtube.com/channel/UClDGAJb_fEmQIa9cG8ukC9Q} {instagram#https://www.instagram.com/daolyson}
Được tạo bởi Blogger.