![]() |
Chủ nhà và khách du lịch chụp ảnh trước khi chia tay. |
Hộ dân xã đảo tham gia Homestay
Khách sạn bắt đầu mọc lên trên đảo, nhưng nhà giàu mới có tiền để xây. Chính quyền trên đảo đã khuyến khích người dân mở thêm mô hình du lịch cộng đồng, cho du khách nghỉ tại nhà dân để trải nghiệm (homestay). Đây là cách kinh doanh rất đơn giản, nhà nghèo vẫn có thể tham gia. Ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi còn cho các hộ dân ở đảo Lý Sơn đi qua đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam để học hỏi thêm cách làm du lịch. Khi nhận được chủ trương của địa phương về homestay, nhiều chị em đã kêu lên: “Tay với chân chi hổng biết, khó coi lắm. Ông bà, cô bác quở, ô uế trong nhà là hết đường làm ăn”.
Gia đình chị Võ Thị Loan nằm trong một con hẻm nhỏ gần khu cầu cảng neo đậu tàu du lịch. Ngôi nhà cấp bốn, xây dựng kiểu bình dân, diện tích vài chục mét vuông và nằm thấp thoáng dưới 5 cây dúi hơn 100 năm tuổi, trước nhà có một ngôi miếu nhỏ, bước ra sau nhà là ruộng hành tỏi, góc nhà luôn để vài bao tỏi để sáng sớm mang xuống chợ bán dần. Chị rất đắn đo khi mở dịch vụ homestay vì nhà cửa bình dân, phong tục tập quán không cho người lạ vào nhà ăn ở thoải mái. “Họ xây nhà nghỉ cho khách ở lại thì nhà mình dành cho khách cũng có sao đâu” - Chị quyết định làm dịch vụ khi so sánh điều này.
Tấm bảng homestay được treo ngay đầu ngõ, sau khi ý nghĩ xui xẻo được chị giải quyết triệt để trong suy nghĩ. Nhiều người hàng xóm không rời mắt khỏi các vị khách rập rờn váy áo vào nhà ở lại. Khi khách về, hàng xóm còn nói bóng gió việc chị Loan nên cúng gà để xả xui. Nhưng rồi suy nghĩ xui xẻo bắt đầu thay đổi khi hàng xóm nhìn thấy đoàn khách 50 người đến nhà nghỉ lại, hát hò, vui vẻ với chủ nhà như người thân quen và chủ nhà kiếm được 50 ngàn đồng/người. Nhiều người còn tính ra được cái lợi khác, đó là chủ nhà lo phần đi chợ nấu ăn, cho thuê xe máy, bán hành tỏi tại chỗ, đảm nhiệm các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách. Nếu tính ra thì thu nhập không thua ông chồng đi biển hàng tháng trời.
Triển khai dịch vụ du lịch cộng đồng
Nếu khách vào nghỉ ở các khách sạn, người chủ tiếp đón theo chuỗi quy trình: Nhận chứng minh nhân dân -thủ tục đăng ký - giao khóa phòng. Còn nếu homestay với các gia đình tại đảo thì chủ nhà và khách trở thành người quen. Tại gia đình chị Nguyễn Thị Thuần ở xã An Vĩnh, tiếng ríu rít của các bạn trẻ từ lúc bước vào nhà cho đến lúc chia tay. Cô gái tên Tâm có nét mặt xinh xắn, từ Hà Nội ra đảo Lý Sơn du lịch. Cô chia sẻ với chị chủ nhà về việc “2 ngày ăn ở, đi chơi nhưng mới tiêu hết 460 ngàn, rẻ quá trời mà lại vui!”.
Cậu thanh niên tên Hạnh tâm sự với chị chủ nhà về việc “homestay vui quá, hẹn mùa hè sang năm, em sẽ lại ra đảo thăm chị và ăn cá cho đã thèm”. Khi đến ở tại các gia đình, các bạn trẻ thường thích trải nghiệm cuộc sống người dân đảo bằng cách cùng ra ruộng hành, tỏi, nếu đặt nấu ăn tại nhà thì cùng chủ nhà đi chợ mua cá tại cầu cảng vào lúc bình minh lên, xuống chợ Lý Sơn vào lúc 5 giờ sáng để chứng kiến chợ hành tỏi nhộn nhịp, cùng ra gành hái rong biển về để nấu món canh... Chị Thuần cho biết, dịch vụ homestay được chị mở tại gia đình 3 năm. Người khách đầu tiên chị vẫn còn lưu số điện thoại, đó là gia đình anh Giang ở thành phố Quảng Ngãi.
Sau 4 năm triển khai dịch vụ du lịch cộng đồng, người dân đảo Lý Sơn không còn nhắc nhiều đến cụm từ “uế oang, xúi quẩy”. Hiện nay, cả đảo có 53 gia đình mở dịch vụ homestay. Tuy nhiên, những ngôi nhà có hình thức dân dã, còn lưu lại nhiều dấu vết cổ xưa, tạo cho du khách “thấm” được sự trải nghiệm thì chưa thực sự nhập cuộc. Chủ của các ngôi nhà này cho biết, các gia đình sống trong nhà cổ thường thờ tự ông bà trong dòng họ. Theo tín ngưỡng thì trong nhà phải luôn thanh bạch, sạch sẽ, nghiêm cẩn, không được ồn ào. Vì vậy, gia đình không thể tham gia làm dịch vụ homestay, dù biết những ngôi nhà này có thể kiếm được khá nhiều tiền mỗi ngày.
Lê Văn Chương
Phượt Đảo Lý Sơn tổ chức tour Lý Sơn trong tháng 10, mọi người nhanh tay liên hệ đặt Tour nhé. Giá tour tốt nhất tại Lý Sơn.
Ghi nguồn www.phuotdaolyson.com khi đăng tải lại bài viết này.
Link: Homestay ở Lý Sơn
Đăng nhận xét